Kết thúc tuần giao dịch ngày 03/04 – 09/04, dầu thô ghi nhận tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp do động thái cắt giảm sản lượng tự nguyện bất ngờ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), làm dấy lên lo ngại về nguồn cung thâm hụt. Giá dầu WTI tăng 6,65% lên mức 80,7 USD/thùng, dầu Brent đóng cửa tuần với mức giá trên 85 USD/thùng, tương đương mức tăng 6,55%.
Giá khí tự nhiên giảm mạnh 9,25% về mốc 2,01 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh. Sản lượng khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng từ 98,7 tỷ feet khối trong tháng 3 lên mức 99,9 tỷ feet khối trong tháng 4. Trong khi đó, tháng 4 và tháng 5 là những tháng cuối mùa và thường có nhu cầu thấp do thời tiết. Điều này đã kéo giá khí lao dốc trong tuần.
Giá dầu tạo gap-up mạnh ngay từ phiên đầu tuần, tương đương với mức tăng hơn 5 USD/thùng so với phiên cuối tuần trước đó do tuyên bố cắt giảm sản lượng đầy bất ngờ của nhóm OPEC+.
Cụ thể, OPEC, và các đồng minh bao gồm Nga công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 1,66 triệu thùng/ngày, tương đương với 1,6% nhu cầu thế giới, kể từ tháng 5 cho tới hết năm nay. Saudi Arabia và Nga là hai nước tiên phong trong đợt cắt giảm, với mỗi nước có kế hoạch hạ sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày.
Lo ngại nguồn cung thâm hụt, nhất là từ giai đoạn nửa cuối năm nay khi mùa lái xe cao điểm tại Mỹ và sự phục hồi kinh tế hậu mở cửa tại Trung Quốc được dự đoán sẽ khiến nhu cầu tăng cao, qua đó thúc đẩy lực mua mạnh mẽ.
Trong khi đó, thêm vào mối lo về nguồn cung, Chính phủ Mỹ vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục các công ty khai thác gia tăng sản lượng. Dữ liệu từ Tập đoàn Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu khí tại Mỹ trong tuần qua tiếp tục giảm 4 xuống còn 751 giàn hoạt động.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cho thấy tâm lý tương đối thận trọng khi hàng loạt các dữ liệu kinh tế kém sắc tại Mỹ làm gia tăng rủi ro suy thoái kinh tế. Giá dầu cũng liên tục đi ngang trong các phiên còn lại vào tuần qua.
Số cơ hội việc làm tại Mỹ đã giảm xuống dưới 10 triệu vào cuối tháng Hai lần đầu tiên sau gần hai năm, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Ba.
Tâm điểm của thị trường, số người có việc ngoài ngành nông nghiệp của Mỹ giảm 90.000 xuống 236.000 trong tháng 3 so với tháng trước, theo dữ liệu từ Bảng lương phi nông từ Bộ Lao động Mỹ. Đây là lần đầu tiên trong vòng 1 năm qua con số này thấp hơn dự báo, phản ánh những áp lực nhất định của nền kinh tế.
Tăng trưởng tiền lương theo giờ cũng chậm lại ở mức 4,2% so với mức 4,6% của tháng trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn giảm xuống 3,5%, có thể tiếp tục khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thêm không gian tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát.
Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group hiện đang cho thấy có tới hơn 70% ý kiến Fed tăng 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tiếp theo vào đầu tháng 5, tăng từ tỷ lệ gần 50% vào tuần trước. Sức ép vĩ mô tiềm ẩn đã khiến giá dầu không thể tiếp tục bứt phá sau khi tăng vọt vào đầu tuần.
Trong tuần này, giá dầu có thể sẽ biến động mạnh khi hàng loạt các báo cáo tháng của các tổ chức lớn bao gồm OPEC, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) được công bố. Ngoài ra, thị trường sẽ hướng chú ý vào dữ liệu lạm phát của Mỹ nhằm đánh giá về kế hoạch của Fed trong thời gian tới.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu WTI nhiều khả năng vẫn sẽ chưa vượt được vùng 81 USD/thùng sau khi kiểm nghiệm vùng này 4 phiên liên tiếp trước đó. Khối lượng giao dịch vẫn đang khá mỏng, với RSI trên khung Daily tiếp tục ở vùng quá mua. Nhiều khả năng xu hướng đi ngang sẽ tiếp diễn trong phiên đầu tuần. Các nhà đầu tư có thể mở bán tại vùng 80,8 – 81 USD với kỳ vọng chốt lời tại vùng 79,8 – 80 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)