Kết thúc phiên giao dịch ngày 06/09, dầu WTI đóng cửa ở mức 87,55 USD/thùng, tăng gần 1% so với phiên trước, ghi nhận phiên tăng giá thứ 9 liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng giá theo ngày dài nhất kể từ năm 2010. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng phiên thứ 7 liên tiếp với mức tăng 0,62% lên 90,60 USD/thùng.
Lo ngại nguồn cung thắt chặt, cùng với một số dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ đã tiếp tục thúc đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong hơn 9 tháng qua.
Các nhà đầu tư tiếp tục tăng cường vị thế mua dầu trong bối cảnh nguồn cung có xu hướng thắt chặt vào cuối năm sau tuyên bố gia hạn cắt giảm sản lượng và xuất khẩu từ Saudi Arabia và Nga. Theo một tuyên bố từ công ty dầu mỏ nhà nước, Saudi Armaco hôm thứ Tư đã tăng giá bán chính thức (OSP) đối với loại dầu thô nhẹ kỳ hạn tháng 10 tới thị trường châu Á thêm 10 cent/thùng lên mức chênh lệch 3,60 USD/thùng so với báo giá trung bình của Oman/Dubai. Đây là lần tăng giá bán lần thứ 4 liên tiếp của Saudi Arabia kể từ tháng 7.
Báo cáo mới đây của Ngân hàng Goldman Sachs cho biết các động thái của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) mang lại rủi ro tăng giá đáng chú ý. Các nhà phân tích của ngân hàng đã đưa ra một số kịch bản, bao gồm một kịch bản cho thấy giá dầu Brent mở rộng mức tăng lên trên 100 USD/thùng. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng đây không phải là quan điểm cốt lõi khi rủi ro tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn.
Củng cố cho đà tăng của giá dầu, dữ liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 5,52 triệu thùng so với mức dự đoán giảm 2,1 triệu thùng của giới phân tích, ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp, trong khi tồn kho xăng cũng giảm mạnh 5,09 triệu thùng. Điều này nhấn mạnh yếu tố nguồn cung có xu hướng suy giảm, thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Xuất khẩu các sản phẩm dầu của Nga hiện cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng, với dầu diesel và dầu nhiên liệu đạt tổng cộng 2,28 triệu thùng/ngày trong tháng 8, thấp hơn 9% so với tháng 7.
Trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt, tiêu thụ dầu vẫn cho thấy mức ổn định. Tại Ấn Độ, Tổng mức tiêu thụ trong tháng 8, đại diện cho nhu cầu dầu của quốc gia này đã đạt tổng cộng 18,57 triệu tấn, tăng 2,5% so với mức 18,11 triệu tấn trong tháng 7.
Bên cạnh yếu tố cung cầu, dữ liệu kinh tế vĩ mô tích cực của Mỹ cũng đã hỗ trợ tâm lý trên thị trường. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) phi sản xuất tháng 8/2023 của Mỹ theo khảo sát của Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) đạt mức 54,5%, cao hơn 1,8 điểm phần trăm so với tháng trước. Trước đó, Goldman Sachs cũng đã cắt giảm tỷ lệ suy thoái kinh tế Mỹ từ 20% xuống còn 15%.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Trên khung D1, giá dầu vẫn tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng lên mức đỉnh phiên trước đó, mặc dù động lực tăng đã chậm lại khi các thông tin mang tính bất ngờ không còn nhưng trước các áp lực về cắt giảm nguồn cung vẫn là yếu tố hỗ trợ giá giữ được đà tăng hiện tại trên mức 86 USD/thùng.
Trên khung H4, giá vẫn chưa có tín hiệu cho thấy sẽ điều chỉnh giảm mặc dù đã có thời điểm thị trường chững lại. Hiện tại mức 86 USD/thùng đang là mốc hỗ trợ quan trọng, ở thời điểm này các nhà đầu tư cần theo dõi thêm diễn biến thị trường và thận trọng hơn.
TIN KHÁC
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Bản tin MXV Năng lượng 06/09: Giá dầu Brent chạm mốc 90 USD/thùng sau thông tin cắt giảm nguồn cung(06/09/2023)
Bản tin MXV Năng lượng 31/08: Giá dầu tăng khi tồn kho dầu Mỹ sụt giảm và rủi ro nguồn cung thắt chặt(31/08/2023)
Bản tin MXV Năng lượng 30/08: Giá dầu bật tăng do lo ngại bão Idalia ảnh hưởng tới nguồn cung Mỹ(30/08/2023)