Dầu thô ghi nhận một phiên biến động mạnh, với tác động từ các dữ liệu kinh tế của Mỹ đẩy giá dầu WTI có thời điểm về gần mốc 70 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm xuống vùng 75 USD/thùng.
Tuy nhiên, dữ liệu tồn kho từ báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), rủi ro thâm hụt nguồn cung và sự lạc quan của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) về nhu cầu dầu thô đã kéo giá dầu đảo chiều tăng mạnh vào cuối phiên.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 06/07, giá dầu WTI tăng 0,01% lên mức 71,8 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 0,18% xuống 75,61 USD/thùng.
Thị trường tập trung vào bức tranh thị trường lao động của Mỹ, yếu tố có thể tác động đáng kể tới quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới.
Theo báo cáo Việc làm Quốc gia của ADP, số người có việc ngoài ngành nông nghiệp của Mỹ bất ngờ tăng mạnh thêm 497.000 việc làm trong tháng 06/2023, gấp khoảng 2 lần so với mức dự báo 245.000.
Nhu cầu lao động lớn có thể dẫn đến tăng trưởng tiền lương và chi tiêu ổn định, khiến cho lạm phát tiếp tục neo ở mức cao, tạo tiền đề cho Fed có thể tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất nhằm bình ổn giá cả.
Đồng USD tăng giá ngay sau dữ liệu do lo ngại tiến trình thắt chặt tiền tệ sẽ được thúc đẩy, kéo giá dầu WTI và Brent giảm mạnh sau dữ liệu, khi chi phí mua hàng trở nên đắt đỏ hơn. Đồng thời, lãi suất cao cũng sẽ làm gia tăng rủi ro suy thoái kinh tế và tác động tiêu cực tới bức tranh tiêu thụ.
Tuy nhiên, báo cáo từ EIA đưa ra một số tín hiệu tích cực về nhu cầu của Mỹ, đã kéo giá dầu đảo chiều tăng trở lại.
Cụ thể, dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ đã giảm 1,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/06, trong khi tồn kho xăng và tồn kho nhiên liệu chưng cất trong tuần trước đều ghi nhận mức giảm mạnh lần lượt 2,5 và 1 triệu thùng.
Nhập khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần trước cũng đã ghi nhận sự gia tăng thêm 0,46 triệu thùng/ngày lên hơn 7 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, tổng sản phẩm cung cấp trong tuần, một thước đo về nhu cầu, cũng đã tăng mạnh gần 1 triệu thùng/ngày, đạt trung bình 21,235 triệu thùng, vượt mức trung bình 4 tuần qua.
Các dữ liệu phản ánh năng lực tiêu thụ nhiên liệu của Mỹ có sự gia tăng trong mùa di chuyển cao điểm, hỗ trợ mạnh mẽ cho giá dầu dần xoá bỏ đà giảm trước đó.
Củng cố cho đà phục hồi của giá dầu, hãng tin Reuters cho biết OPEC dự kiến sẽ giữ quan điểm lạc quan về tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm tới khi công bố báo cáo thị trường dầu tháng 7.
Tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 của OPEC dự kiến sẽ thấp hơn mức dự báo 2,35 triệu thùng/ngày cho năm nay, nhưng OPEC vẫn dự báo mức tăng trưởng trên mức trung bình trong năm tới và cao hơn nhiều so với mức 0,8 triệu thùng/ngày trong báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Quan điểm lạc quan của OPEC được đưa ra khi Saudi Arabia, thành viên chủ chốt của OPEC, chính thức tăng giá dầu thô xuất khẩu sang châu Á. Cụ thể, Tập đoàn nhà nước Saudi Aramco đã tăng giá bán chính thức (OSP) cho dầu Arab Light giao tháng 8 tới châu Á thêm 20 cent/thùng so với tháng 7 lên mức chênh lệch 3,20 USD/thùng so với báo giá tiêu chuẩn của Oman/Dubai.
Đối với các khu vực khác, Saudi Arabia cũng đã tăng OSP Arab Light tháng 8 tới Tây Bắc Châu Âu thêm 80 cent lên 3,80 USD/thùng so với dầu Brent ICE, xuất khẩu tới Mỹ tăng 10 cents lên 7,25 USD/thùng so với giá dầu trung bình bờ biển vùng vịnh của Mỹ.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Mặc dù có thời điểm gặp áp lực trong phiên hôm qua, nhưng giá dầu WTI vẫn duy trì trên vùng hỗ trợ 70 USD/thùng. Giá bật tăng khi chạm cạnh giữa của dải Bollinger Band trên khung D1. MACD có xu hướng hướng lên trên sát đường zero. Dự báo giá sẽ hồi về vùng 71,3 USD trước khi tiếp tục đà tăng. Nhà đầu tư có thể cạnh mua quanh vùng này với kỳ vọng chốt lời 73,6 USD. Cắt lỗ 70,4 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)