Giá dầu duy trì đà tăng trong phiên hôm qua, khi thị trường chờ đợi các diễn biến mới sau khi EU đề xuất cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 0,42% lên 108,26 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng 0,69% lên 110,9 USD/thùng
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, thời điểm trước khi Nga tiến hành tấn công Ukraine, khối EU nhập khẩu khoảng 2,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, và 1,2 triệu thùng/ngày các sản phẩm tinh chế như xăng và diesel. Tổng cộng, Nga cung cấp khoảng 26% lượng dầu cho các thành viên EU. Trường hợp 27 thành viên của khối đồng ý với chính sách cấm vận, thị trường sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng và đẩy giá các mặt hàng năng lượng lên cao. Tuy vậy, một số thành viên như Hungary được cho là đang đòi hỏi được miễn trừ khỏi chính sách chung của nhóm, đặc biệt khi thành viên này có độ phụ thuộc lớn vào dầu nhập khẩu từ Nga. Sức ép từ việc thay đổi nhà cung cấp nhiều khả năng sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế nước này. Trong khi đó, chính phủ Mỹ lại đang có kế hoạch mua bổ sung 60 triệu thùng dầu vào kho dự trữ chiến lược, do đó mức độ cạnh tranh trên thị trường dầu quốc tế sẽ tăng.
Trong khi đó, cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ ngày hôm qua kết thúc nhanh chóng mà không có nhiều bất ngờ. Nhóm áp dụng mức tăng sản lượng 432.000 thùng/ngày trong tháng 6, giống như các kỳ vọng trước đó trên thị trường. Mức tăng này sẽ không thể đủ bù đắp lượng thiếu hụt từ Nga, nhất là khi nhóm vẫn đang sản xuất dưới hạn ngạch khoảng 1,5 triệu thùng/ngày. Theo Trung tâm tin tức Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, bất kỳ nỗ lực nào của nhóm trong việc tăng sản lượng dầu ở mức có ý nghĩa sẽ phải đến từ sự tăng tốc sản xuất của 3 thành viên là UAE, Saudi Arabia và Iraq.
Đà tăng của giá chững lại do áp lực chung của thị trường tài chính. Dòng tiền “tháo chạy” khỏi thị trường chứng khoán và quay sang các tài sản trú ẩn như tiền mặt. Điều này là do các nhà đầu tư trên thị trường cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 6, làm tăng chi phí lãi vay và làm giảm tốc các hoạt động sản xuất, tiêu thụ. Dollar Index tăng mạnh lên mức 103,75 cũng khiến cho các mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh như dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ các tiền tệ khác, và gây áp lực tới giá dầu. Lo ngại về dịch Covid-19 lây lan tại Bắc Kinh, Trung Quốc cũng là một yếu tố kìm hãm đà tăng của giá. Hiện tại, Bắc Kinh vẫn khuyến khích người dần làm việc tại nhà và hạn chế đi lại để kìm hãm dịch lây lan.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Các tín hiệu kỹ thuật đang khá tích cực, với RSI hướng lên, trong khi MACD vượt hẳn lên trên đường Signal. Giá đã phá vỡ thành công kháng cự tại vùng 108 USD/thùng và hướng đến vùng giá 112 USD/thùng. Có thể canh mua hợp đồng dầu WTI kỳ hạn tháng 06/2022 tại vùng 108,2-108,5 USD/thùng và kỳ vọng giá tăng 1-2 USD/thùng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)