Giá dầu tăng trở lại trong phiên giao dịch hôm qua ngày 05/09, với WTI tăng 2,57% lên 89,1 USD/thùng trong khi Brent tăng 2,38% lên 95,23 USD/thùng. Quyết định giảm sản lượng của OPEC+ ngay cả khi thị trường được kỳ vọng sẽ có một sự dư thừa nhỏ trong nửa cuối năm là động lực chính thức đẩy giá ngày hôm qua.
Trong khi Lễ tưởng niệm cuối tháng 5 được xem là ngày bắt đầu, thì Ngày Lễ Lao động đầu tháng 9 được coi là thời điểm kết thúc mùa hè tại Mỹ. Đồng thời, ngày hôm qua cũng đánh dấu cột mốc đặc biệt khi lần đầu tiên trong vòng hơn 1 năm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng trong cuộc họp chính sách hàng tháng. Mức giảm nhỏ 100.000 thùng/ngày, tương đương chỉ khoảng 0,1% lượng tiêu thụ dầu của thế giới, tuy nhiên mang tính biểu tượng nhiều hơn. Trong buổi họp, các thành viên cũng trao quyền cho Saudi Arabia được tổ chức cuộc họp bất kỳ lúc nào thấy cần thiết nhằm bình ổn thị trường, thay vì lịch họp dự kiến tháng tới ngày 05/10. Điều này ám chỉ Saudi Arabia nói riêng và OPEC+ nói chung có thể hành động nhanh chóng bằng các biện pháp như tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu để hỗ trợ giá. Trước đấy, nhiều phân tích đã chỉ ra rằng nhóm sẽ khó chấp nhận giá dầu rơi xuống khỏi mức 90 USD/thùng khi các thành viên, đặc biệt các nước Trung Đông, phụ thuộc lớn nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu dầu.
Sau khi cuộc họp của OPEC+ kết thúc, Iran, vốn đang được miễn trừ khỏi các ràng buộc trong nhóm, cho biết thế giới cần nhiều dầu từ nước này hơn. Mặc dù Iran được cho là vẫn luôn tìm cách xuất khẩu dầu giá bất chấp các lệnh cấm vận, tuy nhiên, sự cạnh tranh từ đầu năm nay từ dầu Urals giảm giá của Nga có thể đang khiến cho nước này đối mặt với áp lực tài chính ngày càng lớn. Hiện tại, xuất khẩu dầu của Nga sang châu Á đã tăng từ 1,16 triệu thùng/ngày từ cuối tháng 1 lên 1,76 triệu thùng/ngày trong tuần cuối tháng 8, theo số liệu mới nhất từ Bloomberg. Tuy vậy, EU cho biết họ ngày càng trở nên kém lạc quan hơn về triển vọng thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran được khôi phục, bất chấp Tehran liên tục đưa ra các phát biểu mang tính đối ngược.
Mới đây, Trung Quốc thông báo các biện pháp hỗ trợ thị trường sẽ tăng mạnh trong quý III, đặc biệt sau khi các hoạt động kinh tế trong quý II sụt giảm mạnh dưới tác động của dịch Covid-19. Thông tin này có thể hỗ trợ tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường, bằng cách làm giảm lo ngại về suy thoái kinh tế.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Áp lực từ kháng cự 91,1 đang khiến cho giá dầu điều chỉnh trong sáng nay, đặc biệt do mức tăng ngày hôm qua phần nào được giải thích bởi khối lượng giao dịch giảm ngày hôm qua do ngày nghỉ lễ tại Mỹ. Tuy vậy, trên khung 4h và 1h RSI và MACD vẫn đang hướng lên tích cực, và với các thông tin mang tính hỗ trợ hiện tại, khả năng giá phục hồi là rất lớn. Các nhà đầu tư có thể canh mua tại vùng 88 USD/thùng và kỳ vọng chốt lời 1-1,5 USD/thùng.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)