Bản tin MXV Năng lượng 05/07: Lo ngại nguồn cung thu hẹp thúc đẩy giá dầu tăng trở lại
01:56 SA @ Thứ Tư - 05 Tháng Bảy, 2023

Thị trường dầu thô đón nhận lực mua quay trở lại trong phiên giao dịch ngày 04/07, khi mối lo về nguồn cung thu hẹp còn tiềm ẩn, bất chấp bối cảnh kinh tế vĩ mô kém sắc có thể làm sụt giảm nhu cầu.

Kết phiên, giá dầu WTI tăng 1,79% lên mức 71,04 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên ở mức giá 76,25 USD/thùng, cao hơn 2,14% về giá trị so với phiên trước đó.



Vào đầu tuần, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới là Saudi Arabia cho biết họ sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến tháng 8, trong khi Nga và Algeria tình nguyện giảm mức sản lượng và xuất khẩu trong tháng 8 lần lượt là 500.000 thùng/ngày và 20.000 thùng/ngày.

Nếu thực hiện đúng như cam kết, mức giảm tổng cộng sẽ là 5,36 triệu thùng/ngày so với tháng 8/2022, tương đượng với 5% sản lượng toàn cầu, thậm chí có thể nhiều hơn do một số quốc gia trong nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) không thể hoàn thành hạn ngạch sản lượng.

Các nhà phân tích của Commerzbank cho biết, trước khi có thông báo cắt giảm mới nhất, dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy thị trường dầu mỏ có thể bị thiếu hụt nguồn cung khoảng 2 triệu thùng/ngày trong quý 3 và quý 4.

Các thương nhân ở châu Á cho biết có một lượng nguồn cung dồi dào các thùng dầu từ nhà sản xuất bên ngoài nhóm OPEC+, đặc biệt là ở các địa điểm như Mỹ, Tây Phi và Biển Bắc nếu giá dầu khu vực Trung Đông tăng cao do tác động của việc cắt giảm sản lượng mới nhất.

Chênh lệch giá giữa hai tiêu chuẩn dầu thô Brent và Dubai cũng đã thu hẹp mạnh trong tháng qua, cho thấy dầu thô khu vực Biển Bắc có thể hấp dẫn hơn. Kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với nguồn dầu tại Mỹ và Biển Bắc cạnh tranh hơn đã giúp thúc đẩy lực mua dầu trong phiên.

Cũng hỗ trợ cho giá dầu, sản lượng dầu của Kazakhstan đã giảm xuống 218.900 tấn vào đầu tuần, từ mức 252.600 tấn một ngày trước đó do các khu vực tập trung chủ yếu mỏ dầu ở phía Tây quốc gia này gặp tình trạng mất điện. Điều này đã dẫn đến việc đóng cửa khẩn cấp nhà máy lọc dầu Atyrau.

Tuy nhiên, tác động từ việc cắt giảm nguồn cung dầu vẫn sẽ cần thời gian để xem xét, nhất là trong bối cảnh tiêu thụ có thể suy yếu do tăng trưởng kinh tế chậm lại tại các nền kinh tế hàng đầu, và dòng chảy xuất khẩu dầu từ Nga chưa có thấy dấu hiệu cắt giảm sản lượng.

Cụ thể, dòng chảy dầu thô qua các cảng của Nga đã tăng khoảng 1,3 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 2/7, khi dòng chảy qua hai cảng xuất khẩu chính tăng trở lại sau bảo trì. Trong giai đoạn 4 tuần gần nhất, xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga vẫn cao hơn khoảng 25,000 thùng/ngay so với mức trung bình tháng 2, tháng cơ sở cho việc cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Giá dầu đang di chuyển sát đường xu hướng, trong một mô hình tam giác thu hẹp. Việc phá vỡ đường xu hướng này có thể khiến giá dầu hướng tới mục tiêu tiếp theo là vùng 73,2 USD. Ngược lại, giá có thể sẽ quay đầu về vùng 70 USD, nhất là khi RSI khung H4 đang tiến lên vùng quá mua. Các nhà đầu tư nên chờ đợi thêm tín hiệu. Nếu giá lên vùng 72 USD, có thể đợi giá hồi về và mở mua vùng 71,7 – 71,8 USD với kỳ vọng chốt lời 73 USD.

Nguồn: