Giá dầu thế giới mở cửa với lực mua khá mạnh, có thời điểm dầu WTI chạm mốc 74 USD/thùng, cao nhất trong hơn một tuần qua trước tác động từ sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông, và nguồn cung gián đoạn tại Lybia do biểu tình. Tuy nhiên, nhu cầu nhiên liệu thấp và lượng tồn kho tăng mạnh đã đẩy giá dầu đảo chiều giảm trở lại.
Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 0,7% xuống 72,19 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,84% xuống 77,59 USD/thùng.
Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), mặc dù tồn kho dầu thương mại giảm 5,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 29/12, nhưng tồn kho xăng tăng rất mạnh, tới 10,9 triệu thùng, đã gây bất ngờ cho thị trường. Đây là mức tăng hàng tuần cao nhất trong hơn 30 năm qua.
Tồn kho nhiên liệu chưng cất cũng tăng tới 10,09 triệu thùng trong tuần trước. Sản phẩm chưng cất được cung cấp, đại diện cho nhu cầu, thậm chí đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999. Trong khi tổng tất cả sản phẩm nhiên liệu được cung cấp giảm 2,35 triệu thùng xuống còn 19,06 triệu thùng.
Việc tồn kho dầu thương mại giảm chủ yếu phản ánh những gián đoạn vận chuyển quanh khu vực Biển Đỏ trong thời gian qua. Trong khi, tồn kho thành phẩm tăng cho thấy nhu cầu tiêu thụ còn yếu. Điều này đã gây áp lực cho giá dầu.
Ngoài ra, xuất khẩu dầu của Venezuela đã tăng 12% lên gần 700.000 thùng/ngày trong năm 2023 do Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt áp đặt kể từ năm 2019. Nếu như các áp đặt vẫn được nới lỏng trong tương lai, nguồn cung sẽ tiếp tục gia tăng. Venezuela là quốc gia được OPEC miễn trừ tham gia cắt giảm sản lượng. Sản lượng dầu của Venezuela đạt trung bình 794.000 thùng/ngày cho đến tháng 11/2023, tăng từ 716.000 thùng/ngày trong năm 2022 và 636.000 thùng/ngày trong năm 2021.
Mặc dù vậy, giá dầu đã lấy lại một phần mức tăng vào cuối phiên. Hiện tại, gián đoạn tại các mỏ Sharara và El-Feel của Lybia, do ảnh hưởng từ những người biểu tình có thể khiến thị trường mất hơn 300.000 thùng dầu mỗi ngày. Vấn đề địa chính trị nổi cộm ở cả ở Trung Đông và Libya, đang cho thấy tiềm năng tạo ra một cuộc xung đột đối với dầu mỏ.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu quay trở lại kênh giảm chính, nhưng hiện đang cho dấu hiệu đáy sau cao hơn. Ở kênh giảm nhỏ, hiện giá đang có dấu hiệu phá vỡ kênh. Giá rút chân mạnh ở vùng 71 USD, và kiểm tra lại kháng cự vùng 72,5 USD. Khung H1 xuất hiện phân kỳ ẩn tăng giá và cụm nến bao trùm, cho thấy lực mua khá mạnh. Phiên cuối tuần nhiều khả năng có áp lực đóng vị thế.
Khoảng giao dịch cần quan sát là 71 – 72,5 USD, và nhà đầu tư nên chờ thêm tín hiệu giá bứt phá khỏi vùng này. Việc giá phá vỡ 72,5 USD sẽ đẩy dầu tăng lên vùng 73,5 - 74 USD lần nữa, trong khi xu hướng giảm sẽ tiếp diễn xuống vùng 70 USD và thấp hơn nếu giá rơi khỏi 71 USD. Kịch bản tăng từ vùng giá 72 USD có xác suất cao hơn.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)