Kết thúc phiên giao dịch ngày 04/01, giá dầu thô tiếp tục phiên giảm mạnh, ghi nhận mức giảm phần trăm sâu nhất trong hai ngày giao dịch đầu tiên của bất kỳ năm nào trong hơn 3 thập kỷ, trong bối cảnh các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu nhiên liệu khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và các trường hợp COVID-19 gia tăng ở Trung Quốc. Giá dầu WTI giảm 5,32% xuống 72,84 USD/thùng. Dầu Brent cũng giảm mạnh 5,19% xuống 77,84 USD/thùng.
Lực bán áp đảo gần như toàn bộ thời gian trong phiên, khi bài toán nhu cầu tiêu thụ tại quốc gia nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc vẫn khó có thể tháo gỡ trong ngắn hạn. Các ca nhiễm Covid tăng vọt với số người thiệt hại gia tăng nhanh chóng tạo ra hiệu ứng tâm lý tiêu cực thúc đẩy sức bán trên thị trường dầu. Theo nguồn tin từ Reuters cho biết, gã khổng lồ dầu khí nhà nước Saudi Aramco có thể giảm giá bán chính thức (OSP) đối với loại dầu thô tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Á với mức giảm khoảng 1,5 USD/thùng trong tháng Hai. Một phần là do sức ép từ sự chuyển hướng dòng chảy dầu từ Nga. Tuy nhiên, dòng chảy này cũng đang suy yếu trong tuần thứ 4 liên tiếp sang khu vực châu Á, do đó, đây đều là những tín hiệu cho thấy nhu cầu chậm lại đè nặng lên giá dầu.
Về nguồn cung, Bloomberg cho biết Saudi Arabia đã giữ xuất khẩu dầu ổn định vào tháng trước khi tiếp tục thực hiện thỏa thuận OPEC+ nhằm ổn định thị trường dầu thô thế giới, vận chuyển khoảng 7,21 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 12, không thay đổi so với mức tháng 11. Trong khi đó, OPEC được dự đoán đã bơm 29 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 12, tăng 120,000 thùng/ngày so với tháng 11. Nguồn cung không có dấu hiệu cắt giảm thêm, trong khi tiêu thụ khá yếu đã khiến cho thị trường dầu đối diện với áp lực giảm giá mạnh.
Bên cạnh cung cầu, yếu tố vĩ mô cũng góp phần gây sức ép tới giá dầu trong phiên tối. Viện Quản lý cung ứng (ISM) cho biết hôm thứ Tư rằng chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất của Mỹ đã giảm xuống 48,4 vào tháng trước từ 49 vào tháng 11, cho thấy môi trường lãi suất cao đang làm suy yếu dần hoạt động sản xuất. Trong khi đó, dữ liệu lao động được phản ánh qua số cơ hội việc làm mới của JOLTs đạt mức 10,45 triệu trong tháng 11, cao hơn con số dự báo ở mức 10 triệu. Thị trường lao động vẫn tích cực, đang làm gia tăng lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất cao hơn so với mục tiêu, gây ra rủi ro suy thoái.
Biên bản họp của Fed hồi tháng 12 được công bố vào đêm qua vẫn cho thấy lăng kính khá tiêu cực về tình hình lạm phát. Có 17 trong số 19 quan chức dự kiến lãi suất sẽ bằng hoặc trên 5,1% trong năm nay. Để so sánh, không một quan chức Fed nào trong tháng 9 có dự báo lãi suất trên 5% vào năm 2023. Dự báo mới nhất của Fed cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đạt 4,6% vào cuối năm nay, cao hơn nhiều so với mức 3,7% đưa ra trong tháng 11. Đây tiếp tục là các yếu tố kéo giá dầu suy yếu.
Rạng sáng nay, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 30/12 đã tăng 3,3 triệu thùng, cao hơn so với dự báo của thị trường. Trong khi đó, tồn kho xăng tăng 1.2 triệu thùng, trái với mức dự đoán giảm. Dữ liệu này có thể tiếp tục khiến giá dầu gặp áp lực bán nhẹ trong phiên sáng.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, khối lượng bán đang chiếm ưu thế rõ rệt. Giá dầu giảm mạnh qua cạnh giữa dải Bollinger Band trên khung Daily và rơi xuống cả dưới vùng hỗ trợ 74 USD/thùng. Nhiều khả năng giá dầu sẽ có nhịp hồi điều chỉnh lên vùng này. Có thể canh mở bán khi giá hồi lại 74 USD/thùng với kỳ vọng chốt lời khoảng 1,5 USD/thùng.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)