Đà tăng của giá dầu trong nửa đầu phiên giao dịch ngày 03/07 đã bị xoá sạch trong phiên tối, khiến cho dầu thô đóng cửa trong sắc đỏ, cắt đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp. Lo ngại về rủi ro tăng trưởng, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ, đã lấn át hàng loạt các rủi ro từ phía nguồn cung và kéo giá dầu suy yếu.
Kết phiên, giá dầu WTI đánh mất mốc 70 USD/thùng sau khi giảm 1,2%. Dầu Brent chốt phiên ở mức 74,65 USD/thùng, giảm 1,01% so với phiên trước đó.
Hàng loạt các thông tin từ phía nguồn cung từ các nước sản xuất chính đã hỗ trợ mạnh mẽ cho giá dầu trong nửa đầu phiên giao dịch.
Việc đơn phương cắt giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ngày của quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới Saudi Arabia, sẽ được duy trì trong tháng 8, theo một tuyên bố được Cơ quan báo chí nhà nước Saudi Arabia đăng tải. Điều đó sẽ đưa sản lượng của vương quốc này xuống còn khoảng 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong vài năm.
Trong khi đó, Nga sẽ tự nguyện giảm nguồn cung dầu trong tháng 8 thêm 500 nghìn thùng/ngày trong một nỗ lực đảm bảo sự cân bằng trên thị trường dầu mỏ, Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết.
Trước các động thái mới này, sản lượng dầu của nhóm OPEC+ dự kiến sẽ giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 8, tương đương khoảng 1,5% nhu cầu toàn cầu, nâng tổng số cam kết cắt giảm của các nhà sản xuất dầu OPEC+ lên 5,16 triệu thùng/ngày. Giá dầu đã nhận được lực mua tích cực sau loạt thông tin trên.
Tuy nhiên, mọi mức tăng đều đã bị phá vỡ, giá dầu đảo chiều giảm trở lại nửa cuối phiên giao dịch trong bối cảnh dữ liệu sản xuất yếu kém tại Mỹ và Châu Âu vào tháng 6 đã làm gia tăng rủi ro suy thoái, hạn chế nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Cụ thể, dữ liệu từ Viện Quản lý và Cung ứng Mỹ (ISM) cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy Mỹ tiếp tục thu hẹp trong tháng 6, thể hiện qua chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất đã giảm xuống 46, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, và thấp hơn mức dự đoán 47 điểm của các chuyên gia kinh tế.
Bức tranh tương tự, hoạt động sản xuất của khu vực đồng tiền chung châu Âu (EU) cũng suy yếu trong tháng 6, với PMI sản xuất giảm xuống mức 43,4 điểm, thấp nhất kể từ tháng 7/2020, trước sức ép lãi suất liên tục tăng cao.
Áp lực tăng trưởng đè nặng lên các nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể khiến nhu cầu tiêu thụ dầu thô sụt giảm. Lo ngại này hoàn toàn lấn át các rủi ro từ phía nguồn cung trước đó và kéo giá dầu giảm mạnh trong phiên tối.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu tiếp tục đảm bảo sự di chuyển trong mô hình tam giác, giảm trở lại khi chạm đường xu hướng và RSI khung H4 chạm vùng quá mua. Việc giá phá vỡ vùng 70 USD sẽ đưa giá trở về vùng 69,2 USD. MACD có xu hướng cắt xuống đường tín hiệu. Dự báo giá sẽ hồi nhẹ về vùng 70,6 USD trước khi mở rộng đà suy yếu trở lại. Các nhà đầu tư có thể mở bán ở vùng 70,5 – 70,6 USD, kỳ vọng chốt lới 69,3 USD. Cắt lỗ 71,3 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)