Bản tin MXV Năng lượng 04/01: Giá dầu đảo chiều tăng do lo ngại gián đoạn nguồn cung
08:37 SA @ Thứ Năm - 04 Tháng Giêng, 2024

Kết thúc ngày giao dịch 3/1, giá dầu đảo chiều tăng về cuối phiên do lo ngại gián đoạn nguồn cung tại mỏ dầu hàng đầu của Libya. Ngoài ra, lực mua cũng được thúc đẩy trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục leo thang. 

Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 3,3% lên 72,70 USD/thùng. Dầu Brent tăng 3,11% lên 78,25 USD/thùng. Như vậy, giá dầu đã kết thúc chuỗi giảm bốn phiên liên tiếp.

Theo Reuters, biểu tình trong lĩnh vực dầu mỏ ở Libya đã buộc các nhà khai thác phải giảm phần lớn, thậm chí hoàn toàn sản lượng dầu tại mỏ Sharara. Đây là mỏ dầu lớn nhất của Libya với công suất khoảng 300.000 thùng/ngày. Những người biểu tình tuyên bố rằng mỏ sẽ không được mở cửa trở lại cho đến khi yêu cầu tăng chất lượng dịch vụ và điều kiện làm việc của của toàn bộ khu vực Fezzan, Nam Libya được phê duyệt. 

Thị trường cũng đang lo ngại rằng các cuộc biểu tình có thể lan sang mỏ El Feel với công suất 60.000 thùng/ngày ở gần khu vực này. Rủi ro nguồn cung gián đoạn tại Libya, một thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sản xuất khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày, đã thúc đẩy mạnh mẽ lực mua trên thị trường, kéo giá dầu tăng vọt về cuối phiên.

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông tiếp tục được đẩy lên cao sau khi có báo cáo về vụ nổ bom tại lăng mộ của tướng quân Iran, Qasem Soleimani. Trong khi đó, lãnh đạo Lebanon, Hezbollah Nasrallah, cảnh báo sẽ “không thể im lặng” nếu Israel gây chiến toàn diện.

Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đã thông báo sẽ mua tới 3 triệu thùng dầu để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) trong tháng 4/2024. Trong năm 2023, Mỹ đã bổ sung tổng cộng khoảng 11 triệu thùng dầu vào SPR, với khoảng 4 triệu thùng sẽ được các công ty dầu mỏ hoàn trả trong tháng 2/2024.
Ngoài ra, áp lực lãi suất giảm bớt cũng góp phần tác động tích cực lên thị trường dầu. Biên bản cuộc họp tháng 12/2023 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cho thấy việc cắt giảm lãi suất có thể xảy ra vào năm 2024. Nguyên nhân là do lạm phát đang được kiểm soát và lo ngại việc thắt chặt quá mức có thể tác động tiêu cực lên nền kinh tế. 

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 29/12 giảm mạnh 7,4 triệu thùng, so với mức giảm 3,7 triệu thùng theo dự báo của giới phân tích. Trong khi đó, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất ghi nhận mức tăng mạnh lần lượt 6,9 triệu thùng và 6,7 triệu thùng, có thể sẽ khiến đà tăng của giá dầu bị chững lại.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Biến động của giá vẫn tuân theo kênh giảm ngắn hạn. Trên khung 1D, phiên hôm trước đóng nến rút chân mạnh cho thấy lực mua duy trì mạnh mẽ. Hai đường %D và %K của Stoch RSI cũng bắt đầu cắt lên. Tuy nhiên, RSI khung 4H có dấu hiệu phân kỳ ẩn giảm giá, động lực tăng của giá chững lại khi Stoch RSI đi vào vùng quá mua và RSI có xu hướng hướng xuống. Khung 1H xuất hiện mẫu hình nến inverted hammer và doji, cho thấy sự tương quan cân bằng giữa lực mua và lực bán. Dự báo giá dầu có thể điều chỉnh giảm nhẹ về vùng hỗ trợ 71,8 – 72 USD, trước khi tiếp tục xu hướng tăng ngắn hạn lên 74 – 74,5 USD. 


Nguồn: