Dầu thô tăng nhẹ trở lại trong bối cảnh những lo ngại về nguồn cung tiếp tục cạnh tranh với nguy cơ suy thoái toàn cầu có thể hạn chế nhu cầu năng lượng. Kết thúc phiên giao dịch 02/08, giá dầu thô WTI tăng nhẹ 0,56% lên 94,42 USD/thùng, giá dầu thô Brent cũng nhích nhẹ 0,51% lên 100,54 USD/thùng.
Sức ép bán giảm bớt, khi mà phần lớn những lo ngại về suy thoái đã phản ánh vào giá. Nhà đầu tư hiện đang có phần thận trọng trước thềm cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) diễn ra vào hôm nay, nên biên độ dao động giá của phiên hôm qua cũng được thu hẹp lại.
Thị trường hiện đang kỳ vọng vào việc OPEC+ sẽ đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden về việc cải thiện nguồn cung dầu, tuy nhiên, có nhiều nhà phân tích dự đoán rằng nhóm khó có thể công bố thêm mức tăng sản lượng mới nào trong cuộc họp tháng 9 này, bởi nhiều thành viên vẫn đang vật lộn với việc đáp ứng sản lượng đã cam kết.
Uỷ ban kỹ thuật hỗn hợp chung của OPEC+ (JTC) đã cắt giảm thặng dư trên thị trường dầu trong năm nay, 200.000 thùng/ngày, xuống 800.000 thùng/ngày. Nguồn cung có nguy cơ thu hẹp là yếu tố hỗ trợ cho giá dầu tăng trở lại trong phiên hôm qua.
Tại Venezuela, tình trạng mất điện đã làm gián đoạn nguồn cung cấp điện và khí đốt cho Công ty năng lượng quốc gia PDVSA, và khiến cho xuất khẩu dầu trong tháng 7 giảm 27% so với tháng trước. Bên canh đó, Mỹ gia tăng các lệnh trừng phạt đối với các công ty vận chuyển dầu và các sản phẩm hóa dầu của Iran sang Đông Á, gây sức ép lên Iran để kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này. Vì thế, rất khó để hai nước đạt được thỏa thuận hạt nhân và mang nguồn cung khoảng 1 triệu thùng/ngày từ Iran quay trở lại với thị trường dầu thế giới.
Gần về cuối phiên, giá cả hai mặt hàng dầu đều gặp sức ép từ đà tăng của đồng USD và áp lực bán chung đối với các loại tài sản rủi ro, bởi nguy cơ căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong sáng nay, Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố tồn kho dầu thô tăng 2,2 triệu thùng so với dự đoán giảm 600.000 thùng trước đó của giới phân tích, trong tuần kết thúc ngày 29/07. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng giảm lần lượt 200.000 thùng và 350.000 thùng theo báo cáo của API. Mặc dù không ảnh hưởng mạnh như báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhưng số liệu tồn kho dầu tăng và cao hơn so với kỳ vọng của giới phân tích sẽ là yếu tố gây sức ép lên giá dầu trong phiên sáng nay.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu đang giảm về mức hỗ trợ cũ 93 USD/thùng. Bollinger Band trên khung H4 đang có xu hướng mở rộng và hướng về phía dưới, cùng với các chỉ số MACD và RSI khá tiêu cực, cho thấy khả năng giá sẽ giảm tiếp. Thị trường hiện chưa có vị thế nào đủ hấp dẫn để bắt đầu mở mới, nên nếu các nhà đầu tư đã có vị thế bán có thể chốt lời nếu giá giảm về 91,5 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)