Sau 3 phiên tăng liên tiếp, giá dầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 01/08 trước áp lực chốt lời từ các nhà đầu tư, và một vài dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ gặp sức ép nhất định.
Cụ thể, giá dầu WTI giảm 0,53% xuống 81,37 USD/thùng và dầu Brent chốt phiên sát mốc 85 USD/thùng sau khi giảm 0,61%.
Áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên giao dịch sau khi quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới là Trung Quốc công bố dữ liệu sản xuất kém tích cực trong tháng 7. Cụ thể, chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất của Caixin, thường hướng tới các doanh nghiệp tư nhân, định hướng xuất khẩu, đạt mức 49,2 trong tháng 7, sau 2 tháng duy trì trên ngưỡng 50.
Điều này phản ánh quy mô thu hẹp của các nhà máy và tốc độ phục hồi chậm của nền kinh tế Trung Quốc, gây sức ép cho giá dầu.
Trong khi đó, dữ liệu từ Viện quản lý cung ứng Mỹ (ISM) cho biết chỉ số quản lý mua hàng PMI sản xuất tháng 07/2023 đạt mức 46,4 điểm, thấp hơn mức so với con số dự báo 46,8 điểm, và là tháng thứ 9 liên tiếp nằm dưới ngưỡng phân định 50, biểu thị cho sự thu hẹp hoạt động của các nhà máy.
Thước đo việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã giảm xuống còn 44,4 điểm trong tháng 07/2023, mức thấp nhất kể từ tháng 07/2020. Ngoài ra, số cơ hội việc làm của Mỹ theo khảo sát của JOLTs đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây trong tháng 06/2023, đạt mức 9,58 triệu trong tháng 6, thấp hơn 34.000 so với tháng trước đó.
Dữ liệu kinh tế kém tích cực của Mỹ trong bối cảnh lãi suất tăng cao vẫn đang khiến thị trường thận trọng đánh giá bài toán tăng trưởng. Điều này cũng đã cản trở một phần đà tăng hiện tại của giá dầu.
Ngoài ra, về mặt cung cầu, việc giá dầu có xu hướng tăng trong giai đoạn gần đây trước tác động cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia đã khiến cho nguồn dầu khác cạnh tranh hơn, trong đó có dầu Mỹ, và dầu Nga.
Mức chiết khấu thu hẹp lại cũng khiến thị trường thận trọng nhập khẩu dầu thô. Trong đó, nhập khẩu dầu từ Nga của Ấn Độ đã giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp, xuống 2,09 triệu thùng/ngày trong tháng 7 từ mức 2,11 triệu thùng/ngày trong tháng 6, và dự kiến sẽ còn giảm hơn nữa trong các tháng tới. Các lô hàng nhập khẩu từ Saudi Arabia cũng ghi nhận sự suy giảm.
Trong bối cảnh giá dầu WTI vượt mốc 80 USD/thùng, Chính quyền Mỹ một lần nữa trì hoãn việc bổ sung dầu vào kho dự trữ dầu khẩn cấp của quốc gia, bác bỏ một loạt đề nghị mua dầu vào tháng Giêng. Chính quyền Biden đã tuyên bố rằng họ sẽ mua dầu thô khi giá giảm xuống khoảng 67 đến 72 USD/thùng.
Nhìn chung, giá dầu giảm một phần do lực bán chốt lời, trong khi lo ngại về việc thâm hụt vẫn là nhân tố chính hỗ trợ giá. Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Viện dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ bất ngờ giảm mạnh 15,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 28/07, cho thấy nhu cầu gia tăng. Giá dầu ngay lập tức tăng mạnh sau báo cáo.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu thô duy trì sự ổn định trên vùng giá 80 USD/thùng, và tiếp tục đảm bảo phạm vi của kênh tăng giá. Trong 1 tuần gần đây, giá đều rút chân khi chạm cạnh giữa của kênh và dao động ở khoảng nửa trên kênh. Giá hiện vẫn đang được hỗ trợ bởi EMA50. Trên khung H4, giá vững vàng di chuyển nửa trên của dải Bollinger Band, rút chân khi chạm cạnh giữa của dải.
Tuy nhiên, các chỉ báo đang cho thấy giá dầu WTI đang ở vùng quá mua. RSI khung D1 đang ở vùng quá mua 70, RSI khung H4 tiến lên trên vùng 70. Đối với chỉ báo Stochastic, 2 đường %K và %D đều đang nằm trên ngưỡng 80.
Việc mở vị thế mới ở vùng giá này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)