Kết thúc tuần giao dịch ngày 10/04 – 16/04, giá dầu nối dài đà tăng sang tuần thứ 4 liên tiếp khi báo cáo từ các Tổ chức năng lượng quốc tế cho thấy cán cân cung cầu tương đối mong manh, đặc biệt là vào nửa cuối năm nay. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt kéo theo kỳ vọng lãi suất có thể sắp đạt đỉnh, làm giảm bớt một vài lo ngại vĩ mô cho nền kinh tế, hỗ trợ cho giá dầu.
Đà tăng của giá dầu đã chững lại sau hai phiên tăng liên tiếp, với giá dầu thô WTI giảm 1,32% về 82,16 USD/thùng và giá dầu thô Brent giảm 1,42% về 86,09 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/04, giá dầu phá vỡ khoảng đi ngang, ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp khi báo cáo lạm phát Mỹ tháng 3 có dấu hiệu hạ nhiệt, làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm tạm dừng tăng lãi suất. Tâm lý cho rằng áp lực của nền kinh tế giảm bớt đã kéo giá dầu WTI tăng hơn 2,12% lên mức 83,26 USD/thùng và dầu Brent tăng 2,01% lên mức 87,33 USD/thùng.
Giá dầu bất ngờ bật tăng khá mạnh trong phiên giao dịch ngày 11/04 sau khi liên tiếp ghi nhận các phiên biến động giằng co, tuy nhiên vẫn chưa bứt phá khỏi vùng đi ngang. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 2,24% lên mức 81,53 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ cuối tháng 1 năm nay. Dầu Brent tăng 1,7% lên mức 85,61 USD/thùng.
Sắc đỏ quay lại thị trường dầu thô trong phiên giao dịch đầu tuần, với giá dầu WTI giảm 1,19% về 79,74 USD/thùng, giá dầu thô Brent đóng cửa giảm 1,10% về 84,18 USD/thùng.
Kết thúc tuần giao dịch ngày 03/04 – 09/04, dầu thô ghi nhận tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp do động thái cắt giảm sản lượng tự nguyện bất ngờ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), làm dấy lên lo ngại về nguồn cung thâm hụt. Giá dầu WTI tăng 6,65% lên mức 80,7 USD/thùng, dầu Brent đóng cửa tuần với mức giá trên 85 USD/thùng, tương đương mức tăng 6,55%.