VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU
03:57 CH @ Thứ Ba - 23 Tháng Giêng, 2024

Ngày 16/1/2024 vừa qua, tại Hà Nội, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đã tổ chức thành công Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 và công tác chuyển đổi số ngành xăng dầu với sự hiện diện của lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và các hội viên của Hiệp hội. 

Toàn cảnh hội nghị
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch VINPA điều hành hội nghị

Mở đầu hội nghị, Ông Trịnh Quanh Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội đã trình bày báo cáo tổng kết công tác quý IV/2023 và các kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Tiếp nối hội nghị, đứng ở góc độ cơ quan nhà nước, Bà Nguyễn Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước phát biểu đánh giá cao vai trò của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam trong việc góp ý cho Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Đồng thời bày tỏ mong muốn Hiệp hội tiếp tục tích cực tham gia với Bộ Công Thương trong việc xây dựng Nghị định mới thay thế các Nghị định hiện hành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (trước quý II/2024) để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Đại diện của Bộ Công Thương cũng cho biết Bộ dự kiến sẽ ban hành công văn hướng dẫn Nghị định 80/2023/NĐ-CP thay vì thông tư hướng dẫn để đảm bảo tính kịp thời. Liên quan đến phần mềm quản lý Nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, Bà Hiền nhận định đến nay vẫn chưa phát huy tác dụng, có nhiều vấn đề cần điều chỉnh: các doanh nghiệp khai báo còn chưa nghiêm túc, số liệu chưa đầy đủ; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp trong quá trình triển khai nếu gặp khó khăn thì kịp thời báo cáo Bộ Công Thương.

Đứng từ phía các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Ông Lê Thanh Mân, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp cho rằng quy định đại lý được lấy 3 nguồn đang rất khó thực hiện khi chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, các doanh nghiệp đang rất loay hoay trong việc xác định trách nhiệm của nhà cung cấp, giá bán, biển hiệu tại cửa hàng,... Ngoài ra, yêu cầu doanh nghiệp đầu mối phối trộn xăng E5 phải có phòng hóa nghiệm rất lãng phí vì có đơn vị 1 tháng bán 1000-2000m3 xăng E5 nhưng phải đầu tư phòng hóa nghiệm với chi phí hàng chục tỷ. Do đó, ông Mân đề nghị trong khi xây dựng Nghị định mới thì cần xem xét lại vấn đề này.

Theo thông tin từ Ông Phan Kiến Anh, Giám đốc Chi nhánh Phân phối Sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn (PVNDB), năm 2023, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã cung cấp ra thị trường hơn 6,2 triệu tấn xăng dầu. Hiện nay nhà máy đang hoạt động hơn 100% công suất, dự kiến sản lượng năm 2024 là 7,2 triệu tấn. Đại diện PVNDB cũng chia sẻ vướng mắc liên quan đến cơ chế tổ chức bán hàng: hiện nay theo quy định thì các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải tổ chức mua, đấu thầu mua. Trong khi các nhà sản xuất thực hiện phương thức chào giá bán và cũng muốn bán được giá tốt nhất. Điều này dẫn tới mâu thuẫn giữa hai phương thức giao dịch trên. Do đó, ông Kiến Anh đề nghị Nghị định mới cần có quy định cho phù hợp. Bên cạnh đó, thời gian qua một số thương nhân đầu mối đã chấm dứt hoạt động trong khi các hợp đồng với PVNDB còn đang dở dang, dẫn đến việc Công ty gặp khó khăn trong vấn đề quyết toán hợp đồng, các hệ lụy pháp lý, xử lý các vấn đề khác như doanh nghiệp đầu mối cắt hợp đồng nhưng tàu đã vào cảng, LC đã mở,...

Cùng quan điểm với lãnh đạo Petimex Đồng Tháp, Ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch Công ty Xăng dầu Tự lực I cho rằng doanh nghiệp đang rất cần hướng dẫn từ Bộ Công Thương về vấn đề đại lý được lấy 3 nguồn. Ông cũng trình bày khó khăn khi Sở Công Thương yêu cầu doanh nghiệp chỉ đủ điều kiện được phép bán lẻ xăng dầu khi nhân viên bán lẻ xăng dầu có chứng chỉ môi trường trong khi hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bãi bỏ chứng chỉ nói trên, dẫn đến việc doanh nghiệp bị mắc kẹt ở giữa và bị xử phạt.

Là Giám đốc của Công ty Xăng dầu Chiến Thắng Yên Bái, bà Nguyễn Thị Sinh bày tỏ mong muốn có thêm thời gian để lắp đặt và đồng bộ các thiết bị, phần mềm phục vụ cho việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Đồng thời cho biết doanh nghiệp gặp khó khăn với quy định 7 ngày điều chỉnh giá 1 lần trong Nghị định 80/2023/NĐ-CP do địa bàn của Công ty ở miền núi, khu vực hay xảy ra lũ lụt.

Cũng là một thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nên Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ cũng đang lúng túng với quy định đại lý được lấy 3 nguồn. Ngoài ra, Ông Đoàn Minh Quang, Chủ tịch Công ty cũng đồng tình với ý kiến của Ông Mân và cho rằng thương nhân đầu mối được thuê phòng hóa nghiệm có đủ năng lực kiểm tra, thử nghiệm theo quy định khi pha chế nhiên liệu sinh học.

“Hiện giá cơ sở cơ bản là chưa cập nhật đủ các chi phí thực tế của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng xăng dầu. Theo quy định, các đầu mối phải dự trữ 20 ngày nhưng trong Nghị định không hề đề cập đến chi phí của việc dự trữ 20 ngày như chi phí thuê kho, hao hụt, lãi vay,...” Đây là ý kiến của Ông Nguyễn Tiến Chín, Giám đốc Công ty CP Vật tư Xăng dầu Hải Dương. Ông cũng kiến nghị nên bổ sung chi phí xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng vào cơ cấu giá cơ sở và cho rằng Nghị định mới nên mang tính thị trường hơn, trao lại quyền quyết định giá bán cho doanh nghiệp. Liên quan đến vấn đề hóa đơn điện tử, có vướng mắc mà ngay cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa tháo gỡ: điển hình như cột bơm cũ lắp thêm bộ phận mới để tích hợp được số liệu, truyền dữ liệu vào máy tính để xuất hóa đơn thì hiện nay Chi cục đo lường không kiểm định cột bơm đó với lý do cột bơm chưa được phê duyệt mẫu cột bơm.  

Sau phát biểu của các đại diện doanh nghiệp, Ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, những vấn đề các doanh nghiệp vừa kiến nghị, Hiệp hội đã tổng hợp và gửi lên các Bộ ngành liên quan rất chi tiết, từng điều khoản từ công thức giá, chi phí, đến hóa đơn điện tử,... Ông cũng đề nghị các đơn vị khi tham gia xây dựng Nghị định mới cần rà soát kỹ từng điều khoản để kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện một cách đồng bộ. Chủ tịch VINPA cho rằng Quyết định 187/2003/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế Quản lý Xăng dầu rất phù hợp và thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện khi Nhà nước chỉ đưa ra giá định hướng: đối với dầu Diesel cộng trừ (±) 5%, Xăng cộng trừ (±) 10%, doanh nghiệp được quyền tự quyết định giá bán. 

Liên quan đến hóa đơn điện tử, Chủ tịch Hiệp hội cũng yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc theo quy định của Bộ Tài chính. Ông cho biết, năm 2015 thị trường đã có receipt của Bộ Khoa học Công nghệ – cũng là một dạng hóa đơn điện tử, đấu nối từ hộp số ra nhưng in ra giấy, nếu có thể triển khai hóa đơn điện tử ngay trong thời gian đó thì sẽ rất tiện cho doanh nghiệp; đồng thời cho rằng việc chuyển đổi số (hóa đơn, thanh toán không tiền mặt,...) cũng cần có kinh phí để thực hiện và cần được đưa vào giá bán (chiếm 0,5% trên giá bán). Ông cũng đánh giá việc Bộ Tài chính, cơ quan thuế không quy định cụ thể phương thức, quy cách, thiết bị đấu nối hóa đơn điện tử như hiện nay cũng giúp doanh nghiệp tự chủ động thực hiện sao cho phù hợp với quy mô và tiềm lực của doanh nghiệp mình miễn sao đảm bảo việc xuất hóa đơn theo từng lần bán. 

Đề cập đến việc thực hiện Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Hiệp hội cho biết thêm, hiện nay, thị trường xăng dầu Việt Nam đang lưu hành rất nhiều loại nhiên liệu (khoảng 12 loại từ Euro 2 đến Euro 5). Trong khi đó, trong số hơn 5,5 triệu xe ô tô đang lưu hành thì có hơn 1 triệu xe ô tô được thiết kế để sử dụng nhiên liệu Euro 4 và Euro 5 nên việc hướng cho khách hàng sử dụng đúng nhiên liệu phù hợp là vô cùng cần thiết, không chỉ liên quan tới vấn đề môi trường mà còn tác động đến chất lượng xe.

Tiếp nối hội nghị, các đại biểu được nghe phần trình bày của đại diện đến từ Công ty CP Tin học Viễn thông Petrolimex (PIACOM) về các giải pháp quản lý xăng dầu số toàn diện dựa trên nền tảng Công nghệ thông tin và Tự động hóa.

Ông Hoàng Khắc Chiểu - Trưởng phòng dịch vụ phần mềm của PIACOM giới thiệu về hệ sinh thái của Công ty
Hệ sinh thái các phần mềm của PIACOM
Một số khách hàng lớn của PIACOM
Ông Bùi Xuân Tùng - Trưởng phòng TĐH chia sẻ về giải pháp xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán
Ông Trần Đăng Dũng, Phó Giám đốc PIACOM

Theo ông Trần Đăng Dũng, Phó Giám đốc PIACOM, một trong những ưu điểm nổi bật trong phần mềm của PIACOM là tích hợp được hầu hết các cột bơm trên thị trường Việt Nam và kết hợp được với rất nhiều nhà cung cấp hóa đơn điện tử phổ biến trên thị trường hiện nay như FPT, Viettel, BKAV, VNPT,...


Giải pháp quản lý và vận hành kho xăng dầu thông qua công nghệ cũng là thế mạnh của PIACOM

Trước khi kết thúc hội nghị, Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực VINPA đã trình bày báo cáo thu chi tài chính và thông qua Nghị Quyết của hội nghị với tỷ lệ 100% đại biểu tán thành.

Nguồn: