Chậm xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu dự trữ
10:07 SA @ Thứ Ba - 26 Tháng Mười Hai, 2023

TS. Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc Học viện Tài chính, cho rằng hiện nay, xăng dầu dự trữ quốc gia chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia để quản lý. Theo quy định pháp luật về dự trữ quốc gia, bộ, ngành quản lý xăng dầu dự trữ xây dựng dự thảo định mức kinh tế - kỹ thuật xăng dầu dự trữ quốc gia gửi Bộ Tài chính thẩm định, ban hành. Tuy nhiên, việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu dự trữ trong thời gian qua còn chậm.

Chậm xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu dự trữ
Chậm xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu dự trữ

PV: Là người đã có nhiều trao đổi, nghiên cứu về lĩnh vực dự trữ quốc gia (DTQG), ông đánh giá như thế nào về các quy định trong việc quản lý xăng dầu DTQG hiện nay?

TS. Nguyễn Văn Bình: Các quy định pháp luật về quản lý hàng DTQG hiện nay tương đối đầy đủ, thống nhất, trong đó có quy định về quản lý xăng dầu DTQG.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 27, Luật DTQG, nhiên liệu là một trong 12 nhóm hàng thuộc Danh mục hàng DTQG. Căn cứ quy định của Luật DTQG, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2013/NĐ-CP và Nghị định số 128/2015/NĐ-CP quy định chi tiết danh mục hàng DTQG và phân công bộ, ngành quản lý hàng DTQG.

Theo đó, nhóm hàng nhiên liệu DTQG được Chính phủ quy định chi tiết thành 6 mặt hàng cụ thể và phân công cho 2 bộ quản lý. Bộ Công thương quản lý xăng ô tô, dầu diesel, mazut, dầu thô và nhiên liệu dùng cho máy bay dân dụng. Bộ Quốc phòng quản lý nhiên liệu chuyên dùng cho quân sự, xăng ô tô và dầu diesel.

Do tính chất đặc thù của mặt hàng nên xăng dầu DTQG được quản lý theo quy chế riêng. Trong giai đoạn 2010 đến tháng 6/2020, xăng dầu DTQG được quản lý theo quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 31/2010/QĐ-TTg ngày 19/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ tháng 7/2020 đến nay, xăng dầu DTQG được quản lý theo quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 16/2020/ QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Quy chế quản lý xăng dầu điều chỉnh về quá trình tổ chức quản lý xăng dầu DTQG, gồm: lập kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước; mua, bán, nhập, xuất, luân phiên đổi hàng; sử dụng, bảo quản; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật; kho DTQG; cơ chế tài chính, chế độ kế toán, kiểm toán và báo cáo, thống kê xăng dầu DTQG…

Ngoài các quy định pháp luật nêu trên, việc quản lý xăng dầu DTQG vẫn phải tuân thủ quy định hướng dẫn chung về quản lý hàng DTQG tại các thông tư của Bộ Tài chính như: Thông tư số 145/2013/TT-BTC ngày 21/10/2013 hướng dẫn kế hoạch dự trữ quốc gia và ngân sách nhà nước chi cho DTQG; Thông tư số 89/2015/TT-BTC ngày 11/6/2015 hướng dẫn nhập, xuất, mua, bán hàng DTQG; Thông tư số 172/2013/TT-BTC về thuê bảo quản hàng DTQG; Thông tư số 130/2014/ TT-BTC ngày 9/9/2014 về quản lý chất lượng hàng DTQG và các thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về xăng dầu DTQG.

Thuê kho, bồn bể phải đúng quy định

Theo ông Nguyễn Văn Bình, việc thuê doanh nghiệp bảo quản hàng DTQG đã được Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 172/2013/TT-BTC. Thực tế một số bộ quản lý hàng DTQG đang thực hiện theo phương thức thuê bảo quản hàng DTQG. Các bộ quản lý hàng dự trữ cần phải thuê kho, bồn bể riêng để chứa hàng DTQG theo đúng quy định của pháp luật và tính đúng tính đủ chi phí khấu hao kho, bồn bể vào chi phí thuê bảo quản hàng DTQG.

PV: Xăng dầu DTQG là nhóm hàng duy nhất trong danh mục hàng DTQG được quản lý theo quy chế quản lý riêng. Quy chế quản lý này hiện có phù hợp không, thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Bình: Hiện nay, xăng dầu DTQG là nhóm hàng duy nhất trong danh mục hàng DTQG được quản lý theo quy chế quản lý riêng.

Quy chế quản lý xăng dầu DTQG quy định nguyên tắc quản lý xăng dầu từ khâu nhập, xuất luân phiên đổi hàng, xuất sử dụng; hợp đồng thuê bảo quản, quản lý chất lượng; quản lý danh mục và chủng loại; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước và quản lý chi phí nghiệp vụ; quy hoạch hệ thống kho; chế độ thông tin báo cáo. Đồng thời, quy chế quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc tổ chức quản lý và điều hành hoạt động dự trữ nhà nước về xăng dầu, tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, an toàn, hiệu quả nguồn lực xăng dầu dự trữ.

Xăng dầu DTQG hiện nay được quản lý theo hai phương thức là tự bảo quản và thuê bảo quản. Bộ Quốc phòng giao cho các đơn vị quân đội trực tiếp bảo quản (tự bảo quản). Bộ Công thương ký các hợp đồng thuê doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bảo quản (thuê bảo quản).

Hiện nay, quản lý xăng dầu DTQG dù thực hiện theo phương thức nào thì vẫn phải bảo đảm nguyên tắc quản lý chặt chẽ về số lượng và chất lượng; sử dụng đúng mục đích, không được sử dụng xăng dầu DTQG để kinh doanh; hệ thống kho chứa phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt và tiêu chuẩn quy định…

Nhìn chung, cơ chế quản lý xăng dầu DTQG hoàn toàn phù hợp với thực tiễn yêu cầu quản lý xăng dầu DTQG hiện nay, vừa lồng ghép nhiệm vụ để phát huy tối đa vai trò của tổ chức bộ máy trong quân đội; vừa thực hiện được chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động DTQG theo cơ chế thị trường, góp phần giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong việc duy trì hoạt động tổ chức bộ máy quản lý và đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa.

PV: Ông có khuyến nghị gì để công tác quản lý xăng dầu để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra cả về mức dự trữ và danh mục hàng?

TS. Nguyễn Văn Bình: Hiện nay, xăng dầu DTQG chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG để quản lý. Theo quy định pháp luật DTQG, hàng DTQG phải bảo quản theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng DTQG, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG và hợp đồng thuê bảo quản hàng DTQG.

Bộ, ngành quản lý xăng dầu DTQG xây dựng dự thảo định mức kinh tế - kỹ thuật xăng dầu DTQG gửi Bộ Tài chính thẩm định, ban hành. Tuy nhiên, việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu DTQG của các bộ, ngành trong thời gian qua còn chậm; hiện nay đang trong giai đoạn thẩm định, chưa được ban hành.

Việc chưa ban hành được quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với xăng dầu dự trữ dẫn đến khó khăn về cơ sở pháp lý cho công tác quản lý chất lượng và thiếu cơ sở pháp lý để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ quản lý hao hụt và chi phí nghiệp vụ nhập, xuất, bảo quản. Chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật quản lý xăng dầu DTQG nên phải vận dụng quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BCT ngày 8/12/2015 quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu để tính mức hao hụt xăng dầu DTQG là chưa bảo đảm cơ sở pháp lý và tính chính xác.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cần sớm hoàn thiện để ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu dự trữ

Vì vậy, các bộ, ngành quản lý xăng dầu DTQG cần sớm hoàn thiện để Bộ Tài chính ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu DTQG; đồng thời sớm triển khai xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật quản lý xăng dầu DTQG, gửi Bộ Tài chính để xem xét, ban hành theo thẩm quyền quy định tại Luật DTQG.

Hiện nay, bảo quản xăng dầu DTQG theo phương thức thuê bảo quản còn tình trạng chứa chung bồn bể với xăng dầu kinh doanh, chưa đúng nguyên tắc quy định, khó khăn cho cơ quan quản lý trong kiểm soát. Điều này không bảo đảm nguyên tắc “hàng DTQG phải được cất giữ riêng” và “không được sử dụng hàng DTQG để kinh doanh”, quy định tại Luật DTQG.

Tuy nhiên, nếu chuyển sang chứa xăng dầu DTQG ở bồn bể riêng thì khó khăn khi phải đầu tư hệ thống kho, bồn bể và đường ống riêng hoặc phải tăng chi ngân sách nhà nước trả doanh nghiệp nhận thuê bảo quản do giá thuê bảo quản phải tính đúng, tính đủ chi phí khấu hao bồn, bể, đường ống riêng…

Để khắc phục những bất cập trên, trong thời gian tới, cần có giải pháp đồng bộ triển khai theo phương án tách bạch xăng dầu DTQG với xăng dầu kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm đúng nguyên tắc bảo quản hàng DTQG quy định tại Luật DTQG và công khai, minh bạch trong ký kết và thực hiện các hợp đồng thuê bảo quản.

Nguồn: